DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Chùa Phùng Thôn (25/5/2010)
Publish date 25/05/2010 | 01:42  | Lượt xem: 291

Ngôi nhà Bái đường gồm 5 gian 2 dĩ với 6 bộ vì kèo cấu trúc kiểu thượng giường, hạ bẩy. Trên những hàng cột 4 chân bằng gỗ tròn với kỹ thuật mộng mẹo thiên về bào trơn đóng bén.  

Chùa Phùng Thôn có tên chữ là “ Kim Liên tự” nằm ở thôn Phùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, cách Trung tâm TT Hà Nội khoảng 25km.

 

Ngôi chùa Kim Liên được khởi dựng từ thời Nhà Mạc, trên một thế đất cao ở trong làng. Hiện nay chùa còn một bia hậu Phật bi ký tạo vào triều Mạc Diêm Thành 2 niên hiệu Quang Hưng 2 (1579) nói về việc dân làng khởi công xây dựng chùa Kim Liên vào năm Sùng Khang thứ 11 (1576), bấy giờ chùa có 1 gian 2 chái, đến năm Mậu Dần (1578) tạo một tượng gỗ, năm Kỷ Mão (1579) thỉnh sư về khánh thành. Sau đó dân làng xây dựng Tam quan chùa vào tháng 8 năm Quý Mùi (1583), khánh thành vào tháng 2 năm Ất Dậu (1585).

 

Chùa Phùng Thôn kiến trúc kiểu chữ đinh trông về hướng Tây, gồm nhà Bái đường và Thượng diện thờ Phật.

 

Ngôi nhà Bái đường gồm 5 gian 2 dĩ với 6 bộ vì kèo cấu trúc kiểu thượng giường, hạ bẩy. Trên những hàng cột 4 chân bằng gỗ tròn với kỹ thuật mộng mẹo thiên về bào trơn đóng bén.

 

Trên lớp kiến trúc của nội thất trang trí các bức đại tự và đôi câu đối ca ngợi cảnh chùa và ân đức nhà Phật. Ngôi nhà Thượng điện 3 gian, kiến trúc 4 bộ vì kèo cầu trụ trốn trên quá giang. Trong nhà xây bệ để bài trí 24 pho tượng phật ở Tam bảo. Ngoài ra còn có 10 pho tượng ở nhà thờ Tổ, thờ Mẫu. Trong số tượng ở chùa có những pho tượng gỗ quý là 3 pho Tam Thế, 1 pho A Di Đà tam tôn, 1 pho A Di Đà phát quang mang phong cách nghệ thuật điêu khắc tượng tròn thế kỷ XVIII. Cổ vật quý còn đáng nhắc tới là quả chuông đồng đúc năm Hiệp Hoà 1 (1883) đời vua Nguyễn Giản Tông. Mới chỉ điểm qua số lượng cổ vật đã cho ta khái niệm chùa Kim Liên cổ kính được xây dựng từ khá sớm, trên vùng địa linh sinh nhân kiệt. Ở Phùng thôn có cụm đình – chùa – nhà thờ Phùng Khắc Khoan mang nhiều ý nghĩa hội tụ vào tuyến du lịch chùa Thầy – chùa Tây Phương của tỉnh nhà.