DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Đình Thôn Vôi (25/5/2010)
Publish date 25/05/2010 | 02:15  | Lượt xem: 440

Đình Vồi thuộc xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, cách huyện lỵ Thạch Thất khoảng 1 km về phía Bắc. Đình Vồi thờ ba vị thành hoàng họ Chu Tuấn, Chu Hùng và Chu Liệt là người đất Ba Trung  

Đình Vồi thuộc xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, cách huyện lỵ Thạch Thất khoảng 1 km về phía Bắc.

 

Đình Vồi thờ ba vị thành hoàng họ Chu Tuấn, Chu Hùng và Chu Liệt là người đất Ba Trung – ( Trung Quốc ), sống ở đời vua Hiến Đế nhà Hán được cử sang làm đô hộ ở Nam Việt. Ba vị thần này đã có những việc làm như mở trường dạy chữ Hán, chữa thuốc, đánh giặc Mạnh Hoạch và chết ở đất Nam Việt nên dân chúng nhiều nơi ở tả ngạn sông Tích lập đền và đình thờ.

 

Nằm bên phải bờ đê sông Tích, tổng thể khu di tích đình Vồi là công trình kiến trúc có quy mô. Phía trước cửa đình là một hồ sen rộng, giữa hồ nổi lên một gò đất tựa như một viên ngọc. Nơi ấy đặt một bia đá cổ nói về việc trùng tu đình và kể tên những người hằng tâm, hằng sản công đức, tôn tạo di tích.

 

Từ bờ đê xuống khu di tích được xây tường đá ong bao quanh. Cổng Nghi môn mở rộng, hai bên vút lên hai cột đồng trụ cao 4,5m, trang trí nhiều lớp, tầng hoa văn đắp nổi. Đỉnh cột là biểu tượng bốn con chim phượng mỏ chầu ra bốn hướng, mình nhỏ ép vào nhau tạo thành khối hoa giành cách điệu.

 

Qua sân đình rộng, ở hai phía đầu hồi đình có nhà Tả mạc, Hữu mạc nằm song song với nhau cùng chung lối kiến trúc xây tường hồi bít đốc, khung nhà gỗ kiến trúc bộ vì kèo cầu quá giang.

 

Ngôi đình chính kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm nhà Đại bái phía trước và Hậu cung phía sau. Dựa theo nội dung trong bia đá và dòng chữ ghi trên, câu đầu cho biết Đình Vồi được xây dựng vào triều Lê niên hiệu Chính Hoà 6 (1685), đến triều Nguyễn niên hiệu Thành Thái 6 (1894) trùng tu lớn, tôn tạo thêm các hạng mục ngoại Tả, Hữu vu.

 

Ngôi nhà Đại Bái là công trình kiến trúc cổ có 4 lá mái và 4 góc tạo thành đao cong mũi rồng, phía dưới đao đình có  con kìm sành bằng đất nung màu tro xám, đuôi cách điệu được tạo tác vào thời Hậu Lê, cấu trúc mặt bằng của ngôi nhà năm gian hai trái, bộ khung mái có bốn vì chính và hai vì kẻ góc gian trái.

 

Mỗi vì có 6 hàng cột, cột cái cao 4,3m, đường kính 0,55m, trên đỉnh có đấu vuông, thân cột có lỗ đục xưa kia để kê sàn nhà, dưới chân cột kê đá tảng gọt đẽo hình vuông và hình tròn, đặc biệt trên cột có xà ngang đưa ra đặt thớt tượng voi, voi gỗ đứng đấu vuông.

 

Nội thất Đại Bái bố trí nhiều hoành phi, cuốn thư ở trên thân xà, cột. Chính gian giữa có bức cửa võng quy mô to, rộng là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc rồng phượng mang phong cách của thời Nguyễn. Phía dưới đặt một nhang án gỗ đục chạm trang trí hoa văn rồng phượng, hoa cúc trên nhiều lớp, nhiều tầng sơn son thiếp vàng lộng lẫy.

 

Hậu cung làm song song với Đại Bái, kiểu dáng nhà chữ Nhất, bốn mái đao cong, gồm một gian chính và hai trái. Nội thất bài trí một ban thờ đặt ba pho tượng thành hoàng làng đều ở tư thế ngồi, chân khoanh tròn. Pho tượng giữa đầu đội mũ bình thiên, hai pho tượng bên đội mũ cánh chuồn, nhỏ hơn tượng giữa, phong cách tượng tròn nghệ thuật thời Nguyễn. Đình Vồi còn giữ một cuốn ngọc phả chữ Hán do Hàn Lâm viện Đông Các Đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Đức nguyên niên (1572), 23 sắc phong, đạo sớm nhất ở thời Lê niên hiệu Cảnh Trị nguyên niên (1663).

 

Hàng năm dân lành tổ chức lễ hội truyền thống từ ngày 14 đến 15 tháng giêng âm lịch. Ngày hội có rước kiệu, tế lễ tại đình và tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, đánh cờ…