DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Đình Chàng Sơn (24/5/2010)
Publish date 24/05/2010 | 04:23  | Lượt xem: 460

Đình Chàng Sơn ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, cách trung tâm TT Hà Nội khoảng 30 km. Xưa kia Chàng Sơn có tên là Nguyễn Xá Trang, sau gọi là Chàng Thôn. Cách mạng tháng 8 năm 1945, Chàng Thôn đổi là Chàng Sơn nhất xã, nhất thôn  

Đình Chàng Sơn ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, cách trung tâm TT Hà Nội khoảng 30 km. Xưa kia Chàng Sơn có tên là Nguyễn Xá Trang, sau gọi là Chàng Thôn. Cách mạng tháng 8 năm 1945, Chàng Thôn đổi là Chàng Sơn nhất xã, nhất thôn.

 

Đình hiện nay được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX sau sự kiện 1885 thực dân Pháp thiêu huỷ ngôi đình cũ của làng. Năm 1886, nhân dân địa phương đã góp tiền mua lại một ngôi đình khác ở Hoà Thạch về dựng trên nền đình cũ. Cửa đình trông hướng Tây về dãy núi Ba Vì.

 

Đình ở trung tâm khu vực cư trú của dân, kiểu chữ đinh, gồm Đại bái và Hậu cung. Trước nhà Đại bái là sân gạch rộng, hai bên có Tả mạc, Hữu mạc. Tường bao quanh đình xây gạch, cổng vào vút cao hai cột trụ cao ngang nóc nhà, trước đình là một ao rộng tụ phúc làm cảnh quan ngôi đình thêm thoáng.

 

Đại bái và Hậu cung xây trên nề đất cao 1,2m so với sân. Đại bái kiến trúc kiểu thời Lê, bố góc đao cong, đầu các đao gắn những con nghê bằng đất nung chúc đầu chạy về nóc.

 

Đại bái 3 gian, 2 chái, gian giữa rộng 3,50m gian bên 3m, chái rộng 1,20m . Đình được định vị vững chắc trên các bộ vì to, dày. Mỗi vì gồm bốn hàng cột lớn ( thượng thu hạ thách). Cột cái đường kính 55cm, cột quân 42cm. Đại bái có các mảng chạm khắc tú linh ( long, lân, quy, phụng), tứ quý ( tùng, cúc, trúc, mai) mang đặc trưng phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XIX, thể hiện ở các bức cốn, đầu tư, thanh xà và kẻ hiên.

 

Hậu cung là ngôi nhà dọc đấu chữ đinh vào gian giữa Đại bái, 2 gian trước mặt thông với Đại bái, còn lại 3 gian Hậu đình xây tường bao kín bằng gạch đá ong cỡ lớn. Hậu cung có sàn gỗ cao 1.8m, bày 3 long ngai bài vị thờ các vị thần.

 

Đình Chàng Sơn thờ Tam vị Đức Thánh Tản ( Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh), ba nhân vật huyền thoại thời Hùng Vương thứ 18 có công chống xâm lược và trị thuỷ cứu nước.

 

Hàng năm hội làng tổ chức từ ngày 15 đến 18 thang 07 ( âm lịch ) tưởng nhớ Đức Thánh Tản. Phường rối nước Chàng Sơn tổ chức trò múa rối nước ở hồ nước trước cửa đình.

 

Gian bên cửa đình còn thờ ông Trương Chủng, hiệu Quý Lương người bản thôn là một vị tướng giúp Lý Nam Đế. Ông làm quan đến chức Thái uý , lấy trang Nguyên Xá ( Chàng Sơn hiện nay ) làm căn cứ chống giặc nhà Lương ở thế kỷ VI.

 

Làng Chàng Sơn còn có ngôi quán, cách đình khoảng gần 100m, là công trình kiến trúc tôn giáo, gắn với đình và cùng tính chất như đình, gồm nhà Tiền tế và cung thờ. Tiền tế 3 gian 2 chái, dựng trên nền đất cao 0m50, kiến trúc bộ vì chồn rường, kẻ bẩy, mái chẩy lợp ngói ri mỏng, 4 góc đao cong. Cung thờ 2 gian, mô quán Chàng Sơn nhỏ hơn đình, xây dựng vào cuối thể kỷ XIX, trang trí trên cốn, bẩy chủ yếu là hình lão mai hoá long văn mây, chữ triện, lá dắt…

 

Hậu cung đặt một ngai thờ, tương truyền dân làng Chàng Sơn lập quán để tưởng nhớ tới vj tướng Đào Khang có công giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc phương Bắc vào những năm gần 40 đầu công nguyên.

 

Nguồn: Cuốn di tích lịch sử Hà Tây - Sở Văn hóa thông tin Hà Tây -1999