DANH NHÂN VĂN HÓA DANH NHÂN VĂN HÓA

Chuyện thú vị về người hai lần được vinh quy bái tổ
Publish date 03/07/2023 | 15:28  | Lượt xem: 353

Xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây trước đây, nay là ngoại thành Hà Nội. Sinh ra và lớn lên ở đây nên tôi rất tự hào về quê hương mình, một vùng đất hiếu học có nhiều người tài năng, đức độ. Dưới thời phong kiến, huyện Thạch Thất có 30 vị đỗ đại khoa, riêng làng Hương Ngải có 6 vị là: Liêu Hiến Chương, Liêu Hiến Quang, Đỗ Thê, Đỗ Hịch, Phí Thạc và Nguyễn Đăng Huân.

Tôi cũng như nhiều người khác rất ngưỡng mộ và quý phục tài năng, tâm đức, đặc biệt là tính thanh liêm tuyệt vời của cụ Nguyễn Đăng Huân.

Nguyễn Đăng Huân tên tự là Hy Khiêm, sinh năm Ất Sửu (1805), nhà ở nậu Thượng - nay là thôn 1 - xã Hương Ngải, trong một gia đình nhà nho. Chuyện xưa kể rằng: Năm mới lên 8 tuổi, Nguyễn Đăng Huân đã ứng đối rất giỏi. Một hôm, có quan họ Bùi ở Thịnh Liệt đến chơi với cha, thấy chú bé thông minh đĩnh ngộ, vị quan họ Bùi liền ra một vế câu đối: Phiên âm: Nhị nhân cư đồng hương, hà địa bất sinh tài, hà tài bất tư thế. (Nghĩa là: Hai người ở cùng một làng, đất nào chẳng sinh người tài, người tài nào mà chẳng giúp đời). Nguyễn Đăng Huân đã ứng khẩu đối lại: Phiên âm: Nhất cử đăng khoa đệ, tự hương dĩ cập hội, tự hội dĩ chí đình. (Nghĩa là: Một lần thi đỗ, từ thi hương rồi thi hội, thi hội đến thi đình). Vị quan họ Bùi khen ngợi là "có khẩu khí", "có khí phách", lúc thiếu thời "Ngư trạc vũ môn"... Năm 14 tuổi được vào học trường dòng, Nguyễn Đăng Huân đã rất chăm chỉ và học giỏi, nổi tiếng không những trong huyện, phủ mà cả tỉnh. Các kỳ tập văn của ông đều được thầy phê hạng bình và ưu. Có lần ông đi ăn giỗ nhà ông ngoại, người cậu của ông ra câu đối trêu rằng: Thịt mỡ dưa hành đi miếng một. Ông liền ứng khẩu đối lại: Lọng vàng quân kiệu kéo hàng đôi. Điều này đã thể hiện rõ khí phách của ông ngay từ thuở thiếu thời.

Nhờ quyết chí học hành, Nguyễn Đăng Huân đỗ Trung khoa (Cử nhân) năm Mậu Tý (1828) tại trường thi Bắc Thành. Kỳ thi này, lấy đỗ 20 người, Nguyễn Đăng Huân đỗ thứ hai. Năm sau, khi 25 tuổi cụ đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Mệnh thứ 10 (1829). Bài đối sách của cụ trong kỳ thi Đình được chép trong "Lịch khoa Hội Đình văn tuyển" (Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, ký hiệu: A.1759/2). Tên tuổi, quê quán của cụ được khắc trên bia đá nay vẫn còn tại Văn Thánh (Văn Miếu) ở Kinh đô Huế. Kỳ thi đó không lấy đệ nhất giáp nên cụ là Đình nguyên Hoàng giáp. Sau đỗ đạt, cụ được bổ làm Hàn lâm viện biên tu, sau đó là Tri phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, tước Hương Đình Bá. Phủ Điện Bàn thời ấy gồm ba huyện: Diên Khánh, Hòa Lạc và Duy Xuyên, đời sống nhân dân rất khó khăn. Cai quản vùng này, cụ làm được nhiều việc lợi dân ích nước. Sinh thời, cụ kết bạn với nhiều bậc trí thức chính trực: Cao Bá Quát (1808 - 1854), Tiến sĩ Hà Tôn Quyền (1798-1839), Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800 -1851), Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), Phó bảng Dương Đăng Dụng (1804-18?), Phó bảng Diệp Xuân Huyên (1808 - 1847)... Trong đó, Phó bảngDiệp Xuân Huyên tự là Di Xuân hay Cổ hiên Diệp Huyên đã viết bài "Nguyễn Đình Nguyên bi ký" bằng chữ Hán ghi lại sự tích, công trạng của Đình nguyên tiến sĩ Nguyễn Đăng Huân. Hiện nay, tấm bia đá này vẫn còn nguyên vẹn, đặt tại địa phận xứ Đồng Gai, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Sau 5 năm làm tri phủ, cụ được điều về Kinh, thăng chức Lang trung bộ Lễ, ban thụy hàm Phụng Nghị đại phu - một trong những cơ quan chức năng cao cấp thời nhà Nguyễn – Sắc phong này của cụ, hiện gia đình vẫn lưu giữ cùng 5 bản sắc phong khác nữa. Cụ từng theo vua đi tuần các vùng đất phương Nam. Đang làm Lang trung bộ Lễ, cụ lâm bệnh nặng và mất năm 34 tuổi. Người có chức phận xem tư trang của cụ, trong rương hòm không có gì đáng giá ngoài bộ triều phục. Về việc này, sách “Đại Nam thực lục”, bộ sử biên niên của triều đình Nguyễn, do các sử thần ghi chép việc hằng ngày trong cung vua viết: “Đinh Dậu, Minh Mệnh năm thứ 18 (1837), Thự lang trung bộ Lễ Nguyễn Đăng Huân, trước Tri phủ Điện Bàn, tại chức 4 năm, tự giữ thanh liêm kiệm ước và bình tĩnh giản dị, thân với dân, nha lại và dân yêu như cha mẹ, gặp khi có tang cha, đưa biếu đều không nhận. Đến khi bổ làm chức ở kinh đô, hộ giá đi tuần phía Nam, dân nghe tin đến, đón đường thăm hỏi, nhiều người biếu tiền và vàng cũng không nhận, đến nay chết ở nơi làm quan, trong túi không có gì cả, chỉ có một cái áo rét được thưởng để làm đồ liệm mà thôi”. Sớ về sự ra đi của cụ được dâng lên triều đình, vua Minh Mệnh vô cùng thương tiếc, cấp cho 100 quan tiền để dùng cho việc tang, chở thuyền đưa thi hài cụ về quê. Vua chu cấp thêm cho vợ con của cụ 100 quan tiền, thưởng thêm 100 quan cho thân mẫu của cụ. Nhà Vua còn lệnh các nơi khi đưa thi hài Cụ đi qua hay dừng nghỉ, đều phải đón tiếp chu đáo. Chính vì việc này nên quan dân khắp vùng nói rằng: cụ Đình Nguyên Nguyễn Đăng Huân hai lần được vinh quy bái tổ. Ngoài ra vua còn giao các chức sắc sở tại thường niên thăm gia quyến của cụ.

Sau này, sử quán triều Nguyễn soạn bộ “Đại Nam liệt truyện”, niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852), đã viết về Nguyễn Đăng Huân: ông “tính người thanh liêm cẩn thận, bình dị gần dân, mỗi khi đi thường đi bộ (không dùng cáng), xử đoán hết tình, thường có người kiện về ruộng, trước hết mở bảo cho hai bên biết, rồi chỉ nói một câu là xử đoán xong, hai bên nguyên, bị đều phục; việc khác cũng thế. Coi chức vài năm, người trong quận yêu như bố mẹ. Vì có tang bố xin về, ai đưa đồ tiễn biếu đều khước từ. Sau lĩnh Lang trung bộ Lễ, theo xa giá đi tuần qua hạt cũ, nhân dân đón đường yết kiến, nhiều người đưa biếu tiền lụa, đều không nhận. Rồi chết, túi làm quan vẫn rỗng tuếch, duy có một cái áo mùa đông mới ban cho để khâm liệm. Đại thần (tức Ngự sử đài) đem việc tâu lên, vua rất tiếc nói rằng: Đáng giận là lúc Đăng Huân sống không có ai đề cử đến, truy thụ cho hàm Lang trung, sai hậu cấp cho gia đình; lại sai quan có chức trách ở địa phương thường hỏi thăm người mẹ. Sau dân Điện Bàn truy nhớ phụ thờ vào Văn từ của bản phủ”.

Và sách "Đại Nam nhất thống chí" tập IV do Viện Sử học Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam chủ biên - do NXB Khoa học xã hội xuất bản năm 1971 có viết: “Nguyễn Đăng Huân là người thanh liêm kiệm ước, gần gũi với dân, lại được dân yêu mến theo xa giá đi tuần, dân hạt cũ đón đường thăm hỏi, nhiều người cho vàng bạc cũng không nhận. Chết ở quan không có đồng nào dính túi. Ngự sử tâu lên triều, vua Thành tổ rất thương tiếc, tặng thị lang và hậu cấp cho gia quyến. Đăng Huân còn có mẹ già, lệnh cho quan sở tại thời thường đến thăm hỏi" (trang 241). Sách báo thời hiện đại cũng có nhiều tài liệu viết vệ cụ. Gần đây có bài báo đăng trên trang thông tin điện tử của Ủy ban kiểm tra Trung ương ngày 2/8/2017 với tiêu đề “Cho liêm khiết trở thành thông lệ”, đã viết về cụ và đề nghị lấy đó làm tấm gương giáo dục cho các cán bộ ngày nay.

Như vậy cả ba cuốn “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, “Đại Nam nhất thống chí”, và báo chí thời nay sau khi kể công danh hành trạng đã dùng những câu chữ hay nhất để ghi nhận, ca ngợi Nguyễn Đăng Huân. Người làm quan ở bất cứ thời nào, có được đức thanh liêm và lòng thương yêu dân như cụ quả là hiếm có, thật đáng kính phục.

Cũng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của Vua nên hai con cụ được học hành và thành đạt. Con trai cả là Nguyễn Đăng Tích được phong sắc “Lục phẩm Suất đội” và bổ hàm “Lục phẩm Văn giai”, sau này được làm tri huyện ở Gia Lộc (Hải Dương) rồi được thăng làm Tri châu Mai Đà (Đà Bắc và Mai Châu ngày nay). Con thứ của Cụ là Nguyễn Đăng Bảng làm nghề dạy học, có nhiều lớp học trò theo học, nhiều người thành đạt và hữu dụng. Hiện nay, tại bàn thờ tư gia dòng đích tôn cụ còn treo đôi câu đối học trò mừng thầy Nguyễn Đăng Bảng - con trai thứ của cụ: “Thanh bạch truyền gia sơn đầu ngưỡng; Văn chương quán thế thạch bi tôn” (nghĩa là: Gia đình truyền thống thanh liêm, núi cao cũng ngưỡng vọng; Văn chương bao trùm thiên hạ, bia đá ghi danh còn tồn tại mãi). Noi theo tấm gương sáng ngời ông cha, hậu duệ các đời sau của cụ đã có nhiều người đỗ đạt cao, làm nghiên cứu khoa học và giữ các vị trí quan trọng trong nhiều cơ quan nhà nước.

Ở Việt Nam, người tài năng như Nguyễn Đăng Huân không quá hiếm, nhưng người có phẩm chất thanh liêm tuyệt vời như cụ không có nhiều. Tài năng và đức độ của cụ Đình Nguyên Nguyễn Đăng Huân là tấm gương sáng cần được lan tỏa rộng rãi để người đời sau học tập và noi theo.