Tỷ lệ sinh giảm đã và đang trở thành tâm điểm của truyền thông toàn cầu, thì phụ nữ và người trẻ lại thường xuyên bị đổ lỗi cho những thay đổi nhân khẩu học này. Thậm chí, một số chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách nhằm khuyến khích giới trẻ đưa ra quyết định sinh sản phù hợp với mục tiêu Quốc gia.
Kết quả nghiên cứu của UNFPA phối hợp cùng tổ chức YouGov tại một số Quốc gia trên thế giới cho thấy một thực trạng: cứ 5 người thì có 1 người tin rằng họ không thể đạt được quy mô gia đình như mong muốn. Trong số đó, đa phần sẽ có ít con hơn dự định, một số khác lại nhiều hơn ngoài ý muốn. Đặc biệt, giới trẻ bày tỏ sự lo lắng sâu sắc về tương lai như những mối quan ngại về biến đổi khí hậu, chi phí sinh hoạt tăng cao, chuẩn mực giới mang tính định kiến, khủng hoảng nhà ở, áp lực công việc và bất ổn toàn cầu đã trở thành những rào cản lớn đối với việc xây dựng một gia đình.
Trước nỗi lo về "khủng hoảng suy giảm dân số", phụ nữ và người trẻ thường bị quy chụp là "từ chối làm cha mẹ", trong khi xã hội lại chưa tạo điều kiện đủ tốt để họ đưa ra quyết định một cách chủ động và bình đẳng. Do đó, mục tiêu thực sự của chúng ta không phải là kiểm soát tỷ lệ sinh, mà là trao cho mỗi cá nhân thông tin đầy đủ, phương tiện thích hợp, chính sách hỗ trợ và môi trường an toàn để họ có thể tự do và có trách nhiệm quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con.
Trong những năm qua, công tác Dân số và Phát triển tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Tuổi thọ trung bình tăng lên 74,7 tuổi vào năm 2024; tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam cũng đã tăng hơn 6cm trong 30 năm qua. Một dấu mốc đáng chú ý gần đây là ngày 03/6/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, chính thức bãi bỏ quy định mỗi gia đình chỉ sinh 1 hoặc 2 con, tạo điều kiện cho người dân được tự quyết định số con phù hợp với hoàn cảnh. Trước đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như miễn giảm học phí mầm non, tư vấn và khám sức khoẻ trước kết hôn, chế độ nghỉ thai sản cho cả vợ và chồng… nhằm khuyến khích sinh đủ hai con tại các khu vực có mức sinh thấp.
Tại Hà Nội – địa phương có mật độ dân số cao thứ hai cả nước – công tác Dân số đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Giai đoạn 2019–2024, tỷ lệ tăng dân số trung bình mỗi năm đạt gần 1%, tương đương khoảng 72.000 người, tạo áp lực lớn lên hạ tầng, dịch vụ công và chất lượng sống đô thị. Tuy nhiên, các chỉ tiêu quan trọng về dân số không ngừng được cải thiện: Năm 2024, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm xuống còn 6,37%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 86,3%, sàng lọc sơ sinh đạt 89,2%; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 55,6%, sáu tháng đầu năm 2025, tỷ lệ sinh con thứ ba 11,34%; sàng lọc trước sinh đạt 88,4%, sơ sinh đạt 90%; tỷ lệ tư vấn và khám sức khỏe trước kết hôn đạt 80,9%; tỷ số giới tính khi sinh giữ ở mức 122,1 trẻ trai/100 trẻ gái.
Thành phố Hà Nội luôn tích cực cụ thể hóa các chủ trương lớn về công tác Dân số do Trung ương đề ra bằng các văn bản, kế hoạch với mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cân đối dân số, ổn định quy mô và phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Tại kết luận số 149-KL/TW ngày 11/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định rõ: Công tác Dân số là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, xuyên suốt trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Điều này càng củng cố thêm định hướng đúng đắn mà Thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện, đồng thời tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng để các địa phương trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác Dân số trong giai đoạn tới.
Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi tư duy chính sách dân số, từng bước chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang tiếp cận toàn diện dân số và phát triển. Thành phố tập trung nâng cao chất lượng dân số, đồng thời gắn kết hài hòa giữa quy mô, cơ cấu và phân bố dân số với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt sâu sắc tinh thần Kết luận số 149-KL/TW (tháng 4/2025) của Bộ Chính trị, khẳng định công tác Dân số là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Để nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy chuyển đổi hành vi, Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ hoạt động truyền thông về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tư vấn và khám sức khoẻ trước kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, bình đẳng giới, thích ứng với già hóa dân số và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng.
Những nỗ lực toàn diện trong công tác Dân số đã và đang góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô, hướng tới xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và phát triển bền vững, nơi mỗi người đều được tôn trọng, được trao quyền tự quyết về sinh sản, và có điều kiện thuận lợi để chủ động định hướng tương lai của mình.