LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Nghề giang đan ở Thạch Thất (20/7/2010)
Ngày đăng 20/07/2010 | 07:08  | Lượt xem: 537

Hơn hai tháng qua thời tiết nắng nóng cũng là thời điểm người dân quê tôi được mùa bội thu về nghề đan quạt: quạt nan, quạt giấy, quạt ba tiêu. Nói như các chị phụ nữ là “ nghề quạt nan có giá ”.

Nghề giang đan ở Thạch Thất

 

Hơn hai tháng qua thời tiết nắng nóng cũng là thời điểm người dân quê tôi được mùa bội thu về nghề đan quạt: quạt nan, quạt giấy, quạt ba tiêu. Nói như các chị phụ nữ là “ nghề quạt nan có giá ”.

 

Quạt Lá Đề sản phẩm giang đan xã Chàng Sơn - ảnh: N.Đ.T

 

Ở thời điểm đầu tháng 6, cả làng, cả xã và cả vùng xốn xang quạt nan. Chị em ra đường gặp nhau chỉ hỏi “ nay bán quạt bao nhiêu?” Những ngày nắng nóng 39 – 400C, chợ phiên, chợ ngày chỉ đến 9 - 10h sáng là vắng bóng người nội trợ, không phải nắng nóng chị em không đến chợ mà cái chính là tranh thủ thời gian đi chợ sớm để về còn đan quạt.

 

Từ 1700đ/ 1 chiếc quạt nan hồi tháng 3, thế rồi giá cứ lên dần, tháng 5 tháng 6 giá quạt nan đã lên đến hơn 3000đ/1 chiếc. Có lúc cao điểm lên tới 4500đ/1 chiếc, và giá quạt nan chỉ sau 1-2h đồng hồ đã khác. Ông già, bà già, con trẻ đều hăng say đan quạt nan. Gia đình nào nhiều con trẻ đang dịp nghỉ hè mỗi ngày thu 200 000đ – 300 000đ là thường tình.

 

Các bà già ở độ tuổi ngoài 70 mỗi ngày cũng đan được hơn chục chiếc quạt cho thu 30 000đ – 40 000đ. Chị Dung ở xóm chợ - Chàng Sơn một mình tranh thủ thời gian mỗi ngày chị đan 70 chiếc quạt nan - quả là một nguồn thu không nhỏ.

 

Quạt Lá Đề sản phẩm giang đan xã Chàng Sơn ảnh: N.Đ.T

 

Thời tiết nắng nóng và tình trạng mất điện làm nhu cầu dùng quạt nan, quạt giấy tăng cao. Chị Lâm ở Chàng Sơn tâm sự: gia đình chị làm nghề quạt giấy đã nhiều năm nhưng năm nay là quạt bán được giá nhất, hai vợ chồng chị mỗi ngày phết 400 quạt giấy, trừ chi phí cũng còn thu 300 000đ / 1 ngày, chẳng thế chồng chị đang đi làm thợ bạn nhưng quạt đắt nên ở nhà làm quạt, ngày công lao động lại cao hơn đi làm thợ.

 

Trở lại với nghề quạt nan - chẳng ai còn nhớ bà tổ của nghề là ai, chỉ biết rằng nghề đan quạt nan xuất phát từ các làng Phú Đa, Phú Hòa xã Bình Phú. Các bà các chị truyền dạy cho lớp con cháu và lớn lên chỉ có con gái mới duy trì được nghề. Cũng là chiếc quạt nhưng quạt ở mỗi vùng quê khác nhau lại có dáng dấp  riêng của vùng quê đó. Quạt nan Phú Hòa có dáng quạt đẹp nhất, hay ở Yên thôn, Thạch thôn xã Thạch Xá chị em đan 14 nan công nhưng Chàng Sơn lại chỉ đan 12 nan công. Tương ứng với dáng dấp quạt nan mỗi làng là giá bán cũng chênh lệch nhau từ 2000đ – 3000đ một chục chiếc.

 

Nghề đan quạt nan không phải chị em trong làng mới đan được mà cả những chị em về làm dâu dần dần cũng học được nghề. Chỉ có điều nhanh hay chậm, đẹp hay xấu mà thôi.

Điều thuận lợi nhất ở các vùng quê có nghề đan quạt là có nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào và có nơi bán sản phẩm đầu ra, đó là Chợ Cầu. Tuy nhiên chợ “ giang và quạt ” chỉ tấp nập từ 4h sáng tới hơn 6h sáng. Chị em đi mua giang cũng phải đi sớm mới chọn được giang đẹp và đi bán cũng phải đi sớm để các lái buôn xếp hàng rồi phân phối về các nơi. Ở thời điểm quạt nan “ lên ngôi ” thì hầu như chị em không phải đi bán, các lái buôn vào các ngõ xóm, thậm chí đến từng gia đình đan được nhiều để mua.

 

Để đan được chiếc quạt nan đẹp thì chẻ nan phải đều, bóng, sau đó là tạo dáng quạt và bẻ lưỡi trai đều. Giang mua ở chợ về được cạo vỏ, cưa bỏ hai mấm giang, rồi chẻ thành nan. Sau đó dùng diêm sinh để hun nan cho trắng. Nan công nhỏ hơn nan đan và có thể nhuộm màu xanh, đỏ hoặc vàng để cho chiếc quạt nhìn thêm bắt mắt.

 

Ở các làng quê thuộc các xã Chàng Sơn, Thạch Xá, Bình Phú nghề đan quạt đã có từ lâu đời và ở các làng này, các mặt hàng mây giang đan cũng được phát triển mạnh mẽ. Không chỉ quạt nan mà quạt lá đề cũng được đan từ giang. Quạt ba tiêu được đan từ tre, quạt giấy được làm từ tre và giấy. Ngoài ra các sản phẩm khác như muôi, cốc cũng được đan từ giang. Hay làn, ri, ghế đan từ mây. Mặt hàng phong phú nên chị em tha hồ lựa chọn loại sản phẩm phù hợp ngày công lao động. Đến thời đỉêm này, khi quạt nan đã “ hạ nhiệt ”, nhiều gia đình lại xoay nghề đan muôi. Giang chẻ để đan quạt được chuyển sang đan muôi, chỉ thêm công đoạn là nhuộm phẩm màu theo yêu cầu của các chủ hàng.

 

Nghề đan giang phát triển đã giúp cho người dân quê tôi có thêm thu nhập. Chẳng thế ở các xã này chị em ít khi phải bán thóc lúa mỗi khi mùa thu hoạch đến. Đặc biệt như năm nay quạt đắt chỉ cần đan cố 2 – 3 ngày là có tiền tương đương với bán 1 tạ thóc.

 

Ngành nghề phát triển tạo thêm nguồn thu cho mỗi gia đình, đời sống nhân dân cũng được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

 

Hồng Vân – Đài Truyền thanh huyện