LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Làng nghề chè lam ở Thạch Xá
Ngày đăng 05/03/2013 | 07:40  | Lượt xem: 729

Thạch Thất là vùng đất cổ, có lịch sử trên 600 năm hình thành và phát triển, nổi tiếng với di tích lịch sử Chùa Tây Phương và các làng nghề với nhiều sản phẩm đặc trưng nổi tiếng. Chè lam Thạch Xá là một điển hình....

 

Thạch Thất là vùng đất cổ, có lịch sử trên 600 năm hình thành và phát triển, nổi tiếng với di tích lịch sử Chùa Tây Phương và các làng nghề với nhiều sản phẩm đặc trưng nổi tiếng. Chè lam Thạch Xá là một điển hình.

Nghề làm chè lam ở Thạch Xá có từ lâu đời, năm 2004 được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là Làng nghề truyền thống. Thạch Xá hiện có khoảng 50 hộ làm chè lam chuyên nghiệp, thu hút hơn 200 lao động. Nhưng vào dịp Tết Nguyên Đán, có tới 90% hộ gia đình ở Thạch Xá làm chè lam: làm để mời khách thưởng thức trong dịp Tết, để biếu bà con họ hàng gần xa, làm quà cho những người con xa quê hương, làm theo đơn đặt hàng. Chè lam được tiêu thụ nhiều nhất là vào dịp tết và lễ hội, thị trường tiêu thụ khắp trong nước, trong đó nhiều nhất là tại địa bàn huyện, các huyện lân cận (Hoài Đức, Quốc Oai..), và các tỉnh bạn như: tỉnh Phú Thọ ( Đền Hùng), Quảng Ninh (Chùa Yên Tử)…

 

Nguyên liệu làm chè lam gồm có: thóc nếp, lạc, đường, mạch nha, gừng, nước; tùy theo yêu cầu của khách hàng có thể thêm vừng, thịt nạc.

Ông Nguyễn Huy Động, chủ một cơ sở làm chè lam ở Thạch Xá cho biết: để làm chè lam ngon cần phải rất tỉ mỉ từ khâu đầu tiên là chọn nguyên liệu, trong đó quan trọng nhất là chọn thóc. Thóc nếp phải chọn loại thóc đẹp (nếp cái hoa vàng, nếp nhung), hạt to, mẩy đều, không lẫn tẻ, thóc phơi không được già quá hay non quá. Lạc phải chọn hạt ngon, không sâu, không thối; gừng, đường, mạch nha đều phải đảm bảo chất lượng thì chè lam mới ngon.

 

Mỗi kg chè lam có giá từ 40- 60 nghìn đồng, tùy theo đơn đặt hàng của khách

 

Khâu tiếp theo của quy trình làm chè lam là cho thóc nếp vào rang thành hoa bỏng. Sau đó sàng bỏ trấu, cho vào máy nghiền thành bột. Lạc đem rang chín, sàng bỏ vỏ, xoa đều cho hạt lạc tách làm đôi. Gừng thái lát, ép lấy nước.

Bước tiếp theo là cho đường, mạch nha, nước, nước gừng theo tỷ lệ nhất định vào đun sôi già lửa. Sau đó bắc ra, cho bột nếp, lạc rang vào nhào trộn. Chú ý khi cho bột vào phải để lại một ít bột khô để làm bột “áo”. Lượng bột cho vào phải vừa đủ, nếu nhiều quá chè lam sẽ bị cứng, ít quá sẽ bị nhão. Nhào trộn cho đến độ dẻo nhất định thì cho lên khuôn, chờ cho chè lam nguội thì cắt. Tùy theo đơn đặt hàng của khách có thể cho thêm thịt nạc rang khô vào trộn cùng, hoặc lăn qua vừng rang.

Chè lam cắt xong được lăn qua một lớp bột “áo” để chống dính và đóng gói.

Một kg chè lam đã đóng gói có giá từ 40- 60 ngàn đồng, tùy theo đơn đặt hàng của khách.

 

Mỗi năm, cơ sở của ông Động làm khoảng 3-4 tấn chè lam. Chè lam bán chủ yếu vào mùa lễ hội nên các cơ sở sản xuất nhiều nhất là vào mùa đông. Chè lam nếu bảo quản cẩn thận có thể dùng được trong vòng 6 tháng.

 

Chè lam Thạch Xá có ưu thế hơn chè lam ở các địa phương khác là do các khâu làm hoàn toàn thủ công, chỉ có nghiền bột là dùng máy, nhất là khâu rang thóc thành hoa bỏng. Ở một số địa phương khác, khâu này được thay thế bằng sát thóc thành gạo rồi đem nổ thành bỏng, như vậy sẽ nhanh hơn, nhưng không có được hương vị giống như chè lam ở Thạch Xá.

Vì quy trình sản xuất chè lam không có rác thải nên không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Nghề làm chè lam ở Thạch Xá không chỉ là nghề truyền thống mà còn là bí quyết phát triển kinh tế của một số hộ ở đây. Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề còn có những khó khăn nhất định, trong đó quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng nguyên liệu, bảo quản nguyên liệu.

 

Ông Cường Mạnh Đỏ- Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, để phát triển làng nghề trong những năm tới, tháng 11/2012, UBND xã đã xây dựng “Dự án Hỗ trợ nhân rộng mô hình chế biến bánh chè lam xã Thạch Xá- huyện Thạch Thất- Tp Hà Nội” với sự phối hợp của Phòng Kinh tế huyện. Cũng trong tháng 11/2012, được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố Hà Nội, Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất, UBND xã đã tổ chức lớp tập huấn nhân rộng cơ sở sản xuất bánh chè lam cho 50 hộ trong 03 ngày.

 

Làng nghề làm chè lam Thạch Xá đã tồn tại qua bao thăng trầm, lớp trẻ hôm nay tiếp nối những bí quyết của lớp người đi trước để tiếp tục đưa sản phẩm chè lam Thạch Xá đi khắp trong và ngoài nước. Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân Thạch Xá nói riêng mà còn là niềm tự hào người dân huyện Thạch Thất nói chung.

 VHTT