TIN HOẠT ĐỘNG THÀNH PHỐ TIN HOẠT ĐỘNG THÀNH PHỐ

Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
Ngày đăng 30/12/2022 | 08:00  | Lượt xem: 632

Sáng ngày 29/12/2022, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Sáng ngày 29/12/2022, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Dự tại điểm cầu Phòng họp số 3 UBND huyện có Đ/c: Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện. Đ/c: Nguyễn Thị Hương – Phó Chánh Văn phòng UBND huyện cùng ban lãnh đạo NHCSXH huyện.

Toàn cảnh hội nghị

Triển khai Nghị định số Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong 20 năm qua, cả nước đã có trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay hơn 830.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn cả nước, góp phần giúp gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới cải tạo hàng chục triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hàng trăm nghìn căn nhà ở. Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là trụ cột trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.

Sau 20 năm hoạt động, trên địa bàn huyện Thạch Thất đã cho vay 12 chương trình, tăng 10 chương trình cho vay mới so với khi nhận bàn giao. Các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi được mở rộng, phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế- xã hội và nhu cầu của người dân. Đến hết tháng 12/2022, tổng dư nợ 11 chương trình vay vốn đạt 514,4 tỷ đồng, với 11.365 hộ vay, dư nợ bình quân tăng từ 2,1 triệu đồng/hộ năm 2002 lên 45 triệu đồng/hộ.

Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 117.445 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Thạch Thất được vay vốn; Giúp hơn 10.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; Tạo việc làm cho 19.000 lao động; Xây dựng được 18.145 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Giúp 7.261 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; Hỗ trợ 284 hộ nghèo làm nhà ở; 7 hộ vay để mua, xây nhà ở xã hội;... Vốn vay đã giúp khách hàng có thêm vốn để phát triển chăn nuôi, mua sắm thêm vật tư, máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện về vốn cho nhân dân phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh Covid-19.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả quan trọng và đóng góp lớn của tín dụng chính sách xã hội trong 20 năm qua, góp phần thiết thực vào những thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân của cả nước.

Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương nghiêm túc triển khai Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật; cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội như huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; Duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; Tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm", "Trung ương và địa phương cùng làm" đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn; Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cách làm ăn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay vốn đúng mục đích, có hiệu quả, thoát nghèo bền vững./.