LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Cơ kim khí Phùng Xá – mũi nhọn trong phát triển công nghiệp
Ngày đăng 05/03/2013 | 08:34  | Lượt xem: 678

Xã Phùng Xá ở phía Đông Nam huyện Thạch Thất, cách huyện lỵ khoảng 7km. Giáp với các xã Canh Nậu, Hữu Bằng, Bình Phú, xã Hoàng Ngô và xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Xã Phùng Xá là cộng đồng dân cư được hình thành và phát triển rất sớm...

Cơ kim khí Phùng Xá – mũi nhọn trong phát triển công nghiệp

Xã Phùng Xá ở phía Đông Nam huyện Thạch Thất, cách huyện lỵ khoảng 7km. Giáp với các xã Canh Nậu, Hữu Bằng, Bình Phú, xã Hoàng Ngô và xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Xã Phùng Xá là cộng đồng dân cư được hình thành và phát triển rất sớm. Phùng Xá là xã nằm trong vùng nông giang của huyện Thạch Thất, địa hình bằng phẳng, lại gần đường 80 nên thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế và phát triển sản xuất. Trước kia làng có nhiều ngành nghề như dệt vải, lượt dệt, thêu ren, sản xuất cày bừa…nhưng do nắm bắt được xu hướng phát triển của nền kinh tế những năm gần đây xã Phùng Xá tập trung phát triển nghề cơ kim khí.

 

Làng nghề Cơ kim khí Phùng Xá – xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất, tương truyền ngày xưa cụ Trạng Bùng - Phùng Khắc Hoan sau thời gian đi xứ Trung Quốc tìm tòi nghiên cứu học tập được kỹ thuật sản xuất cày bừa để về hướng dẫn lại cho dân làng Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, Thạch Thất nghề cơ kim khí sản xuất ra cày, bừa, cuốc, xẻng. Cùng với sự phát triển của đất nước, nhân dân trong làng với nghề rèn-cơ khí truyền thống đã tự nghiên cứu học hỏi công nghệ sản xuất tiên tiến để áp dụng vào sản xuất. Đến nay, trong xã có gần 200 doanh nghiệp và có 2.225 lao động trên địa bàn xã tham gia làm nghề.

 

Sản xuất tôn lợp tại làng nghề Phùng Xá- Ảnh VHTT

Từ cuối năm 2006, xã đã có Điểm công nghiệp Phùng Xá với diện tích ban đầu 11ha, quy tụ hàng trăm hộ tham gia sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, toàn xã có 180 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân; 540 cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 4.000 lao động trong và ngoài xã. Thu nhập bình quân của người lao động từ 3 triệu đồng trở lên tùy thuộc vào công việc, đời sống của lao động được đảm bảo. Do có khu sản xuất cơ, kim khí riêng biệt, ổn định nên giá trị thu nhập từ CN - TTCN năm 2012 đạt cao. Cơ kim khí Phùng Xá phát triển mạnh về cả số lượng và chất lượng. Hiện nay tại làng nghề sản xuất cơ kim khí có khoảng hơn 20 sản phẩm bao gồm: Bản lề, cửa xếp, lưới thép, tôn lợp, dây thép buộc, dây thép gai, cuốc, xẻng…

 

Cơ sở sản xuất bản lề tại làng nghề Phùng Xá- Ảnh VHTT

Đến thăm Phùng Xá chúng tôi có dịp tới doanh nghiệp tư nhân Đức Cường – tức Ông Trần Văn Định là cơ sở chuyên sản xuất các loại bản lề. Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, cơ sở của ông chuyên sản xuất các loại bản lề, trung bình 50 tấn/tháng, giải quyết việc làm quanh năm cho hơn 40 công nhân với mức lương bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Ông Định cho biết, trước đây, do không có mặt bằng sản xuất, không làm ăn lớn được, buôn bán sắt vụn nên thu nhập thấp không cao như hiện nay. “Bây giờ có điều kiện phát triển nên kinh tế gia đình tôi bây giờ khá lắm, lao động làm tại cơ sở của gia đình tôi thu nhập cũng cao hơn ở những nơi khác trong vùng. Nhờ có làng nghề mà lao động trong làng tôi không phải đi nơi khác kiếm việc làm, mà còn có rất nhiều người từ nơi khác đến đây làm việc nữa” - ông Định nói. Cách doanh nghiệp Đức Cường chừng 30m, Công ty TNHH Hưng Lộc Phát – chuyên sản xuất các loại dây thép, lưới thép cũng có ý kiến tương tự. Hiện Công ty chuyên sản xuất các loại dây thép, lưới thép…cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

 

Cơ sở sản xuất lưới thép- Ảnh: VHTT

Trao đổi với Ông Chu Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Phùng Xá chúng tôi được biết: Tại làng nghề hiện nay, hầu hết các hộ sản xuất đều tính đến chuyện làm ăn lớn, có những cơ sở chỉ sau một thời gian ngắn, doanh thu đã tăng gấp ba, bốn lần so với khi mở xưởng “Tuy năm 2012 do ảnh hưởng chung của sự suy giảm kinh tế nhưng nhìn chung đa số các cơ sở sản xuất ở đây vẫn khá ổn định và có thu nhập khá” – Ông Chu Văn Bảy nói. Chủ Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Ngọ, chuyên sản xuất tôn cho biết: “Ngày trước làm nhỏ lẻ thì thu nhập thấp, khách hàng mà nợ thì khó khăn lắm. Bây giờ có Khu công nghiệp sản xuất tập trung nên bán được số lượng nhiều, có nợ cũng ít hơn. Doanh thu hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng” – Anh Thịnh nói. Nhờ sản xuất tập trung nên vấn đề việc làm và thu nhập đã không còn là điều mà người dân nơi đây phải canh cánh trong lòng. Làng nghề không những giúp họ thoát nghèo mà còn nhanh chóng làm giàu tại vùng nông thôn Xứ Đoài.

VHTT