CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dừng tiền mặt trên địa bàn huyện Thạch Thất
Ngày đăng 22/11/2023 | 15:19  | Lượt xem: 764

Nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời thực hiện hiệu quả Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt, mới đây, UBND huyện Thạch Thất đã xây dựng phương án chi trả chính sách ASXH không dùng tiền mặt.

Phương án được thực hiện trong thời gian tới sẽ góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế, góp phần triển khai hiệu quả các mô hình của Đề án 06.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hệ thống chính sách an sinh xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, khẳng định quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội. Nhìn chung các đối tượng chính sách đều được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ hỗ trợ.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội cơ bản vẫn bằng hình thức trực tiếp, chi trả bằng tiền mặt, dẫn đến chưa đảm bảo tính đồng bộ giữa các địa phương; chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực ngoài nhà nước tham gia vào cung cấp dịch vụ công.

Hiện nay, cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội đã được triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhóm đối tượng này. Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt.

Việc triển khai mô hình này cũng mang lại giá trị tiện ích lớn – đó là phòng chống tội phạm trong lĩnh vực an sinh xã hội, bảo đảm số tiền chi trả đúng đối tượng, nhanh chóng, hạn chế tình trạng trục lợi, tham nhũng.

Hoạt động của mô hình chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt được thiết lập theo cơ chế:

Cơ sở dữ liệu về các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội từ ngành Lao động thương binh và xã hội, kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Dữ liệu này sẽ được đối soát, xác thực và làm sạch.

Sau đó, các cơ quan sẽ phối hợp với các đơn vị Ngân hàng hoặc các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiến hành tạo lập tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Việc triển khai thí điểm chi trả không dùng tiền mặt đến đối tượng bảo trợ xã hội không phát sinh thủ tục hành chính, không làm thay đổi quy trình xử lý đối với các công tác liên quan đến chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội. Mặt khác việc chi trả theo phương thức tiện lợi này cũng làm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán số của nền kinh tế.

Theo đó, trên địa bàn huyện Thạch Thất sẽ thực hiẹn dẫn lập và thu thập tài khoản của các đối tượng trong tháng 11/2023 và chi trả qua tài khoản của các đối tượng từ tháng 12/2023.

Mô hình hiện đại đã giúp cho việc tăng cường công tác quản lý chính sách và đối tượng được tốt hơn, khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số, từ đó góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội./.