CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Thạch Thất tích cực thực hiện chuyển đổi số trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không dùng tiền mặt
Ngày đăng 02/04/2024 | 16:11  | Lượt xem: 192

UBND huyện ban hành công văn số 533/UBND-BHXH ngày 02//4/2024 về việc thực hiện chuyển đổi số trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không dùng tiền mặt.

Hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành xu thế tất yếu, mang lại nhiều tiện ích rõ rệt cho người thụ hưởng cũng như cơ quan thực hiện giải quyết các chế độ, chính sách. Thời gian qua, UBDN huyện đã quan tâm đẩy mạnh việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng (thẻ ATM).

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT- TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; Công văn số 287/UBND-KGVX ngày 07/02/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 16/01/2024 của UBND thành phố Hà Nội thực hiện đợt cao điểm truyền thông về chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch số 81/KHUBND ngày 21/02/2024 của UBND huyện về thực hiện Đề án “Phát triển ứng
dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn huyện Thạch Thất; Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 04/3/2024 của UBND huyện về thực hiện chuyển đổi số trong chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện Thạch Thất. UBDN huyện đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả để nâng cao tỷ lệ chi trả an sinh không dùng tiền mặt. Ngành BHXH thường xuyên phối hợp với Bưu điện trong công tác quản lý người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân và người hưởng ủy quyền lĩnh thay, người hưởng tuất cao tuổi. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với BHXH huyện; Bưu điện trong quản lý, chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp, hạn chế tối đa việc giải quyết sai phải thu hồi, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý đặt ra. 

Việc chi trả không dùng tiền mặt là phương thức bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Với phương thức này, hàng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Theo đó, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng được cơ quan bưu điện chuyển tiền vào tài khoản cá nhân ngay trong ngày hoặc chậm nhất là ngày làm việc kế tiếp kể từ khi nhận được danh sách chi trả từ cơ quan BHXH chuyển sang. Người lao động (NLĐ), thân nhân NLĐ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe được cơ quan BHXH phối hợp với ngân hàng nơi người hưởng mở tài khoản, thực hiện đối chiếu thông tin, số hiệu tài khoản để chi trả ngay cho người hưởng. 

Đối với NLĐ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp thì phương thức chi trả không dùng tiền mặt còn góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ cho NLĐ. Do đó, đảm bảo người tham gia được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định. Đối với cơ quan chi trả, việc tổ chức thực hiện phương thức này bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, tránh sai sót, giảm bớt áp lực, thời gian trong tổ chức chi trả và các bước trung gian qua chủ sử dụng lao động.

Thời gian tới, để tiếp tục chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với Bưu điện tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người thụ hưởng chính sách hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về chi trả an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng. Chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, để triển khai sâu rộng, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, người dân và đối tượng được thực hiện chi trả cần nhận thức đúng về lợi ích mang lại nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình chuyển đổi phương thức chi trả từ tiền mặt sang chi trả không dùng tiền mặt./.