AN NINH - QUỐC PHÒNG AN NINH - QUỐC PHÒNG

Những người lính được “tôi luyện” trong lửa
Ngày đăng 29/09/2024 | 16:00  | Lượt xem: 198

Người Việt Nam có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Các chiến sỹ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) là những người đã được “tôi luyện” qua lửa theo đúng nghĩa đen và trải qua gian nan cũng theo đúng nghĩa đen. Bởi vậy, trong tất cả những lần đi chữa cháy, họ đều cố gắng giữ lấy những tài sản còn sót lại cho nhân dân, dù là nhỏ nhất. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cái tâm của những người lính Đội Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an huyên Thạch Thất.

Trò chuyện với phóng viên Đài phát thanh Thạch Thất, Trung tá Đỗ Văn Mạnh – Phó trưởng công an huyên Thạch Thất cho biết biết: CAH hiện nay có đông cán bộ chiến sỹ, trong đó, những chiến sỹ trực tiếp làm công việc chữa cháy hầu hết còn ở độ tuổi thanh niên. Là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng trong công tác PCCC, nên trong nhiều năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an huyện đã tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả phòng ngừa về cháy nổ. Công tác đào tạo nghiệp vụ PCCC và huấn luyện kỹ năng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ luôn được đơn vị chú trọng, nhằm đáp ứng nhiệm vụ đặc thù này. Lính chữa cháy chuyên nghiệp thường xuyên được đào tạo kỹ năng, chiến thuật chữa cháy, tập luyện các phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.


Ở hầu hết các vụ cháy, để chữa cháy cứu người, cứu tài sản cho nhân dân những  người lính cứu hỏa phải chấp nhận những nguy hiểm trực chờ,  biết rằng có thể hy sinh tính mạng, nhưng với họ khi đã vào nghề là họ chấp nhận sự hy sinh, gian khổ. Nói về nhiệm vụ của những người lính cứu hỏa, cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyên  bộc bạch: Không phải chúng tôi sợ hiểm nguy, sợ không đủ bản lĩnh để đương đầu với khó khăn, sợ gian khổ mà chúng tôi sợ mình đến không kịp lúc, sợ rằng nơi nào đó người dân đang gặp nguy hiểm, sợ khi xuất xe trên đường đi làm nhiệm vụ bị gặp phải trở ngại.
Ngoài niềm vui khi dập tắt nhanh đám cháy, cứu được tính mạng và tài sản của nhân dân thì người lính chữa cháy còn nhiều tâm tư. Một số đồng chí đã tâm sự rằng: Có những vụ cháy khi chúng tôi đến hiện trường thì lửa đã lan rộng, thiệt hại về người và tài sản là điều khó tránh. Nhưng một số người dân không hiểu lại tỏ ý trách móc. Và sau mỗi vụ cháy, mọi người chỉ lo thống kê các con số thiệt hại, chứ ít khi quan tâm đến những người “đứng mũi chịu sào” khống chế ngọn lửa để giành lại của cải và tính mạng cho họ. Có lẽ, cũng vì một số người dân chưa hiểu hết được công việc của các anh. Và khi đã hiểu rồi thì sự đồng cảm sẽ được nhân đôi. Còn đối với mỗi người lính Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an huyện thì chỉ khi trải qua tất cả mọi khó khăn của nghề cứu hỏa mới thấy sự sống và cái chết thật mong manh.
Bất kể ngày hay đêm, dù trời mưa hay nắng nhìn những người lính cứu hỏa thầm lặng, kiên nhẫn làm những công việc không phải ai cũng làm được, thật cảm phục vô cùng. Ai cũng biết nghề PCCC và CNCH là một nghề nguy hiểm và nặng nhọc, điều quan trọng phải có lòng dũng cảm và yêu nghề, bởi kiến thức có thể học, sức khỏe có thể rèn luyện, song nếu không có lòng dũng cảm sẽ không bao giờ dám đương đầu với nguy hiểm.
Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC - Ngày toàn dân PCCC (4/10/1961-4/10/2024), chúng tôi xin chúc các anh- những người lính PCCC và CNCH, Công an huyên Thạch Thất  sẽ có thêm tinh thần, nghị lực để vượt qua khó khăn, quyết tâm phòng chống “giặc lửa” bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân./.